VĂN HỌC & NGHỆ THUẬT > THƠ
CHIỀU ẤY VỚI THI NHÂN
Tin đăng ngày: 5/8/2019 - Xem: 2361
 

     Tôi từng viết về nhà thơ Lâm Quang Mỹ (bút danh), nhưng đây là lần đầu có dịp hàn huyên với ông khá lâu. Ở tuổi ngoại thất tuần, ông vẫn luôn bận rộn và tràn trề nhựa sống. Dưới tiết trời Vác-sa-va se lạnh, chúng tôi đã “nướng” trọn một buổi chiều già. Vậy mà chia tay hãy còn bịn rịn mong chờ lần hẹn tới. Đời "thi nhân du mục”, ông đã gặt hái những thành công đáng ước mơ. Thơ và các tác phẩm dịch thơ của ông cuốn hút nhiều dịch giả, đã được xuất bản ra nhiều thứ tiếng như Ba Lan, Séc, Pháp, Anh,…

     Ông bảo, “Giờ nói đến tiến sĩ Nguyễn Đình Dũng chắc chẳng còn mấy ai nhớ tới - "gã ấy" hình như đã chết”.

     Nói vậy, nhưng tôi biết sự nghiệp khoa học của TS. Nguyễn Đình Dũng cũng có rất nhiều dấu ấn kỳ khôi, là người đặt nhiều bước đi tiên phong cho Đất nước. Ông là chuyên gia điện tử được đào tạo bài bản từ nước ngoài trở về, có nhiều cống hiến. Ông đảm nhiệm chức Phó phòng điện tử (không có trưởng phòng nhưng ông không được thăng lên, có lẽ do ông không vào Đảng) của Viện Vật lý, thuộc Viện khoa học Việt Nam, trong nhiều năm đầu. Ông là người tiếp nhận chuyển giao chiếc máy tính để bàn hiện đại đầu tiên về cho nước ta, ngay trong năm 1975, từ Hiệp hội các nhà khoa học Mỹ muốn hỗ trợ VN tái thiết hậu chiến. Thời đó, những chiếc máy tính của Nga với tính năng tương đương đang phải chứa trong căn nhà 3 gian.

     Ông cũng chính là một trong 2 nhà khoa học được cử sang Nga ròng rã 2 năm để tiếp nhận chiếc máy phát Nơ-tron đầu tiên (hạt nhẹ), đặt nền móng cho những nghiên cứu thực nghiệm về công nghệ hạt nhân của VN. Và đặc biệt, ông từng cùng 2 nhà khoa học quân sự thiết kế sẵn hệ thống phòng thủ biên giới phía Bắc (1976 - 1978) để “dạy lại” ông anh TQ khi xua quân tràn sang với ý đồ “dạy cho Việt Nam một bài học” năm 1979 (Ta đã nắm được tình hình từ trước mấy năm). Được biết, hồi đó, hệ thống này có hàng chục ngàn quả mìn lớn nhỏ, trải thảm dọc trên 200 km biên giới Việt - Trung, chỉ cần ngồi ở Sơn Tây bấm nút kích hoạt bằng sóng điện từ, chúng sẽ nổ theo chỉ định.

Upload

Tác giả (bên trái) với Nhà thơ Lâm Quang Mỹ tại Warsaw, 8/2017

        Lần hồi về ký ức tuổi thơ, ông kể lại một kỷ niệm tuổi thơ khó quên. Chuyện là, khi còn học lớp 6 Trường cấp 2 Nghi Phong (Nghi Lộc, Nghệ An), Nguyễn Đình Dũng đạt danh hiệu học sinh xuất sắc, được nhận bằng khen của Bác Hồ, đạt giải thưởng của cuộc thi báo Thiếu niên tiền phong nên được đọc báo và xem phim miễn phí 1 năm. Nhưng khi lên lớp 7, Dũng bị quy kết là có tư tưởng “phản động, lệch lạc” chỉ vì một bài thơ tức cảnh chiều tà, trong hoàn cảnh nhớ nhà vì phải đi lao động xa, đến nỗi suýt bị cấm thi lên cấp 3. Cậu bé Dũng đã ngơ ngác với cách suy diễn của thầy chủ nhiệm (vốn được đào tạo từ Trung Quốc) và các đồng chí đoàn viên cùng trang lứa 14 - 15 về bài thơ của mình, nhưng kiên quyết không nhận sai. Cá tính ngang ngạnh ấy đã theo ông suốt cả cuộc đời dài, tạo ra không ít chua cay, sóng gió, nhưng cũng chính nó giúp ông vươn tới những đỉnh cao, khác biệt. Tôi gợi ý ông nên viết lại hồi ký. Ông bảo, “Mình dốt văn xuôi, nên lười”, rồi trầm ngâm suy tư.

       Xin giới thiệu bài thơ “Ba mươi năm”, trích từ tập thơ “Đợi” của Lâm Quang Mỹ, được xuất bản bởi NXB. VH - TT Hà Nội năm 2005, nói lên phần nào những trăn trở và trải nghiệm của ông. Bài thơ này lúc xét duyệt, Nhà thơ Hữu Thỉnh rất băn khoăn, nhưng trước sự quyết đoán của tác giả, Hữu Thỉnh đã bị thuyết phục, rồi ủng hộ cho đăng.

 

BA MƯƠI NĂM

 

Rời Đất nước một chiều thu Hà nội. 
Con tàu đưa ta tới chân trời xa... 
Tạm biệt Tổ quốc nghèo (nhưng giàu những lời ca) 
để ước mơ trải dài theo con đường sắt... 
Những huyền thoại trong sách học trò 
đang hiện lên trước mặt: 
Trung hoa bao la đẹp như khúc Đường thi. 
Bai-can mênh mông. Bát ngát Xi-bê-ri. 
Mat-xcơ-va choáng ngợp hồn thơ dại... 
Và Ba-lan, nơi ta dừng lại, 
Tới tận bây giờ đã ba mươi năm!

 

Ba mươi năm của bao cuộc thăng trầm. 
Đã từng say sưa, đã từng day dứt... 
Có lúc sống ngay gần kề cái chết 
Thật giả. Trắng. Đen chỉ khác có ngôn từ 
Ta đã sống nhờ cái khờ dại ngây thơ 
và hay nói những điều mình không nghĩ thế

 

Ba mươi năm qua đi một thời non trẻ 
Ba mươi năm của ba cuộc chiến tranh 
Bạn có trải qua những đêm lạnh thiếu chăn 
bát mì sợi và đĩa rau muống luộc 
chiếc xe đạp lốp mòn dây chun buộc 
lai con đi đạp vội trước hàng quà...

 

Lớp chúng mình "từ gian khổ sinh ra" 
nhưng chẳng chịu để đói nghèo khuất phục 
biết trả giá cho cái vinh cái nhục, 
giữ lại cho mình một góc của riêng ta.
Ba mươi năm như một thoáng trôi qua 
Trên thảm cỏ xanh rờn bao kỉ niệm vẫn e ấp
những nụ hoa tim tím, như tình yêu trong trắng âm thầm

 

Và Em, 
Em đã cùng anh đi trong ba mươi năm. 
từ cái nhìn ban đầu chao nghiêng vành nón, 
bao buổi hẹn hò. Bao lần đưa đón... 
vẫn một màu Hoa Trắng ấy, ngày xưa... 
vẫn cái gì dìu dịu trong mưa; 
vẫn cái gì lâng lâng trong nắng...

 

Dưới đáy Đại-dương-thời-gìan, 
những Hạt Trai lóng lánh 
Ba mươi năm, ta vẫn giữ cho mình.

 

(Warszawa. Mùa thu 1995)

N.T.T

Văn học & Nghệ thuật khác:
CHIỀU ẤY VỚI THI NHÂN (5/8/2019)
  NỔI BẬT  
KỶ NGUYÊN MỚI CỦA CN THỰC PHẨM: THỊT NHÂN TẠO ...
30/6/2021
HƯỚNG DẪN CÁCH ĐÀO PI MIỄN PHÍ ...
27/6/2021
NGHỀ TRỒNG CẦN SA DU MỤC CỦA NGƯỜI V.I.Ệ.T Ở TÂY ...
6/12/2019
KỶ NIỆM 30 NĂM BỨC TƯỜNG BERLIN SỤP ĐỔ: VÌ SAO T ...
10/11/2019
HỘI ĐỒNG HƯƠNG HÀ TĨNH TẠI ĐỨC TƯỞNG NIỆM 39 NẠN ...
4/11/2019
HOẠT ĐỘNG BUÔN NGƯỜI HAY ĐƯA NGƯỜI? ...
4/11/2019
CHIỀU ẤY VỚI THI NHÂN ...
5/8/2019
 
 
 
  VIDEO CLIPS  
Video
Đến thành phố Frankfurt của nước Đức
Những con đường mua sắm hút khách nhất nước Đức
  FANPAGE FACEBOOK  
 
  THÔNG TIN CẦN BIẾT  
 
  THEO DÕI CHÚNG TÔI  

Người Việt Viễn Xứ / Lao động - Học tập – Sinh sống & Định cư ở nước ngoài
Số điện thoại 0922244556
Email: [email protected]
Website: http://nguoivienxu24h.com

(Mọi thông tin chia sẻ từ trang tin này phải ghi rõ nguồn gốc, trích dẫn)

Thiết kế website bởi TVC Media
1
Bạn cần hỗ trợ?