Năm 1949, Anh, Pháp, Mỹ đã nhập 3 vùng đất dưới sự bảo trợ của họ lại để thành lập nước CHLB Đức (Tây Đức). Ngay sau đó, Liên Xô cũng thành lập nước CHDC Đức (Đông Đức) trên vùng lãnh thổ do mình kiểm soát. Thủ đô Berlin được chia làm đôi, phía Tây thuộc CHLB Đức, phía Đông thuộc CHDC Đức. Điều éo le là, phần Tây Berlin mặc dù thuộc về Tây Đức nhưng lại nằm lọt thỏm trong Đông Đức.
May mắn cho dân tộc Đức là đã không có bên nào bất chấp mọi hi sinh để “giải phóng” bên kia, tránh cho đất nước này một cuộc nội chiến tang thương, để rồi cuối cùng thống nhất trong hòa bình.
Bức tường Berlin được phía Đông Đức xây dựng bao bọc chung quanh Tây Berlin từ ngày 13 tháng 8 năm 1961, hòng ngăn chặn làn sóng di cư của người dân từ Đông Đức sang Tây Đức. Nó từng được chình quyền CHDC Đức gọi là "Tường thành bảo vệ chống phát xít", trong khi phía CHLB Đức gọi là "Bức tường ô nhục" của dân tộc.

Tác giả chụp ảnh lưu niệm tại Cổng thành Brandenburg - cửa ngõ giữa Tây Berlin và Đông Berlin, 8/2019
Có một thực tế là, trong khi ở các nước C.S còn lại cứ khóc thương cho sự “sụp đổ” của Liên Xô và các nước Đông Âu, thì ở ngay tại các nước này, họ vui mừng và tự hào về sự kiện ấy. Hôm qua, trong bài phát biểu tại Đài tưởng niệm Bức tường Berlin, Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier đã nói,"Cùng với những người bạn, chúng ta cùng nhớ lại với lòng biết ơn sâu sắc những sự kiện diễn ra 30 năm trước".
Người dân taị các nước này thường nghĩ đến thời kỳ theo CNXH như một hoài niệm khốn khổ, đáng quên đi. Dĩ nhiên, những người có lương tri sẽ không quay lưng lại với lịch sử, dù họ từng căm ghét, phê phán và đấu tranh để thay đổi nó. Đúng như Tổng thống Nga Putin đã nói “Người nào muốn quay lại chế độ XHCN trước đây là người không có khối óc, còn người nào phủ nhận giai đoạn lịch sử ấy là người không có trái tim”.
Trở lại câu chuyện thắp nến. Ngày mùng 8 tháng 10 năm 1989, dưới sự dẫn dắt của Mục sư Christian Fuehrer tại nhà thờ thánh Nicola, thuộc Giáo Hội Luther và các đồng sự tại bang Leibzig, đã có hơn 70.000 người tham gia buổi đốt nến cầu nguyện cho công lý và hòa bình. Mặc dù phong trào đấu tranh đòi thống nhất nước Đức đã có từ những năm 1970, nhưng chính phong trào "Thắp nến xuống đường trong im lặng" là “xương sống” cho cuộc cách mạng ôn hòa khiến Bức Tường Berlin sụp đổ và thống nhất nước Đức.
Do đó, trong lễ tưởng niệm 30 năm ngày Bức tường Berlin sụp đổ hôm qua (9/11/1989 -9/11/2019), Thủ tướng Angela Merkel cùng những người tham gia đã cầm trên tay ngọn nến thắp sáng, để tri ân như một biểu tượng đối với sự kiện này.
NGUYỄN THỨC TUẤN
Thủ tướng Đức cùng phu quân cầm trên tay ngọn nến trong lễ tưởng niệm sự kiện 30 năm bức tường Berlin bị phá bỏ (ảnh dưới)
